Bác sĩ chỉ rõ tác hại khi cho trẻ ăn quá no vào buổi tối
Các chuyên gia khuyến cáo cho trẻ ăn giặm từ 6 tháng tuổi và theo nhu cầu của trẻ - Ảnh minh họa: NAM TRẦN
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, giảng viên cao cấp bộ môn tai mũi họng - Trường đại học Y Hà Nội, cho biết ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, trẻ em rất hay bị ốm, nhất là các bệnh lý về tai mũi họng.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh chỉ chăm chú đến đơn thuốc kê gì mà không lưu ý đến các yếu tố thuận lợi ảnh hưởng tới quá trình lành bệnh hay khả năng tái phát của bệnh.
Ví dụ như bố mẹ, ông bà thấy con, cháu ốm là lại muốn cho con ăn thật nhiều, làm trẻ cứ nhìn thấy ăn là sợ, vừa ăn vừa nôn, hoặc cho con ăn quá khuya, hay cho con đi tới những nơi đông người, để nhiễm lạnh…
Theo bác sĩ, không nên để trẻ ăn quá no vào bữa tối và không nên cho trẻ ăn sau 20h bởi việc ăn quá no vào bữa tối có thể gây áp lực lớn lên hệ tiêu hóa của trẻ.
Khi dạ dày quá đầy, quá trình tiêu hóa sẽ trở nên khó khăn hơn, dẫn đến cảm giác khó chịu, đầy bụng và đẩy dịch dạ dày đi lên vùng mũi họng. Niêm mạc họng phải hoạt động trong môi trường acid thay bằng môi trường kiềm nhẹ trước đó nên dễ bị viêm hơn và làm cho quá trình lành bệnh viêm mũi họng khó khăn hơn.
Ăn quá no vào bữa tối có thể góp phần vào tình trạng thừa cân và béo phì ở trẻ em do lượng calo nạp vào cơ thể sẽ không được sử dụng hết vì khi ngủ ít hoạt động.
Từ đó các tổ chức lympho vùng họng quá phát nhưng lại không đảm bảo được chức năng bảo vệ vùng mũi họng được giao phó. Mặt khác, do kích thước lớn, việc dẫn lưu của các hốc tự nhiên vùng tai mũi họng giảm làm dịch ứ đọng gây viêm tai giữa và mũi xoang.
Ăn muộn, đặc biệt là sau 20h, có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ. Thức ăn vẫn còn trong dạ dày có thể gây ra cảm giác khó chịu và làm trẻ khó đi vào giấc ngủ sâu. Thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và giảm khả năng tập trung vào ngày hôm sau.
Chất lượng giấc ngủ của trẻ giảm dẫn đến suy giảm sức đề kháng.
Nếu trẻ thường xuyên ăn quá no vào bữa tối hoặc ăn muộn, điều này có thể tạo thành thói quen xấu trong ăn uống.
Trẻ có thể không học được cách kiểm soát khẩu phần ăn, dẫn đến việc ăn uống không lành mạnh trong tương lai. Việc thiết lập thói quen ăn uống đúng cách từ nhỏ sẽ giúp trẻ phát triển thói quen tốt trong suốt cuộc đời.
Chế độ ăn uống không hợp lý có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như tiểu đường, huyết áp cao, và các vấn đề tim mạch sau này. Việc giáo dục trẻ về thói quen ăn uống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ trong tương lai.
"Để bảo đảm sức khỏe và sự phát triển toàn diện cho trẻ, phụ huynh hãy chú ý đến thói quen ăn uống của trẻ. Hãy tạo ra thói quen ăn tối sớm và hợp lý, giúp trẻ phục hồi bệnh tai mũi họng và tránh tái phát bệnh", PGS.TS Phạm Thị Bích Đào nhấn mạnh.